Để đối mặt với thế giới thuế đầy thách thức ngày nay, việc nắm rõ thời hạn thanh tra thuế, kiểm tra thuế cùng với những lưu ý trong quy trình kiểm tra thuế là điều vô cùng quan trọng đối với mọi kế toán. Trong bài viết này, Safebooks sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những khía cạnh này, từ đó giúp bạn chuẩn bị tốt hơn trong việc tuân thủ các quy định về thuế.
1. Thời hạn thanh tra thuế, khi nào doanh nghiệp nhận được thông báo thanh tra thuế?
1.1 Thời hạn kiểm tra thuế
Căn cứ Khoản 3 Điều 110 Luật quản lý thuế 2019 có hiệu lực ngày 01/7/2020 quy định:
- Quyết định kiểm tra thuế phải được gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc và thực hiện công bố trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký. Trước khi công bố quyết định kiểm tra mà người nộp thuế chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng và nộp đủ số tiền thuế phải nộp thì cơ quan quản lý thuế bãi bỏ quyết định kiểm tra thuế.
1.2 Thời hạn thanh tra thuế
Thời hạn thanh tra thuế được quy định tại điều 115 Luật Quản lý thuế, cụ thể:
- Thời hạn của cuộc thanh tra thuế được tính là thời gian thực hiện thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế.
- Việc xác định thời hạn thanh tra thuế tùy thuộc vào tính chất của mỗi cuộc thanh tra nhưng không quá 45 ngày làm việc đối với một cuộc thanh tra do Tổng cục Thuế tiến hành, không quá 30 ngày, làm việc đối với một cuộc thanh tra do Cục Thuế.
1.3 Khi nào doanh nghiệp nhận được thông báo thanh tra thuế doanh nghiệp?
Cơ quan thuế phải thông báo việc thanh tra thuế trước ít nhất 10 ngày làm việc tính từ ngày có thông báo đến ngày bắt đầu thanh tra thuế. Thông thường, thông báo này sẽ được gửi đến địa chỉ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trên đăng ký doanh nghiệp hoặc tài khoản hồ sơ thuế trực tuyến.
Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng có quyền tiến hành thanh tra bất ngờ nếu cần thiết để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm thuế. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ không nhận được thông báo trước.
Xem thêm: Quy trình thanh tra thuế, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp năm 2024
Lưu ý: Cơ quan thuế phải thông báo việc thanh tra thuế trước ít nhất 10 ngày làm việc tính từ ngày có thông báo đến ngày bắt đầu thanh tra thuế
2. Người nào có quyết định thanh tra thuế?
Theo quy định Điều 114 Luật Quản lý thuế năm 2019 về quyết định thanh tra thuế: Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế.
Những cơ quan quản lý thuế được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý thuế năm 2019, gồm: cơ quan thuế (Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực); cơ quan hải quan (Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục hải quan).
Khi thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ra quyết định thanh tra thuế doanh nghiệp phải có các nội dụng sau: Căn cứ pháp lý để thanh tra thuế; Đối tượng, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra thuế; Thời hạn tiến hành thanh tra thuế; Trưởng đoàn thanh tra thuế và các thành viên của đoàn thanh tra thuế.
Chậm nhất là 03 ngày làm việc từ ngày ký quyết định thì cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền gửi quyết định thanh tra thuế cho đối tượng thanh tra. Và quyết định thanh tra thuế phải được công bố chậm nhất là 15 ngày từ ngày ra quyết định thanh tra thuế.
3. Quyền hạn và nghĩa vụ của cơ quan thuế
3.1 Đối với người ra quyết định thanh tra thuế
- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thuế thực hiện đúng nội dung, quyết định thanh tra thuế
- Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thuế cung cấp thông tin, tài liệu đó;
- Trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
- Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kết quả thanh tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý về thanh tra thuế.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra thuế, các thành viên khác của đoàn thanh tra thuế;
- Đình chỉ, thay đổi trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra khi không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc khi phát hiện trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có liên quan đến đối tượng thanh tra hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra;
- Kết luận về nội dung thanh tra thuế;
- Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết;
- Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của Thủ trưởng cơ quan Thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.
3.2 Đối với trưởng đoàn thanh tra thuế
- Tổ chức, chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra thuế thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra thuế;
- Kiến nghị với người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra thuế theo quy định của pháp luật về thanh tra thuế để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;
- Yêu cầu đối tượng thanh tra thuế xuất trình giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động và cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
- Lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra;
- Kiểm kê tài sản liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó
- Yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý
- Quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật
- Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản;
- Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
- Báo cáo với người ra quyết định thanh tra thuế về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó;
- Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra thuế trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, người ra quyết định thanh tra thuế phải có văn bản kết luận thanh tra thuế.
4. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi nhận thông báo thanh tra thuế
4.1 Quyền của doanh nghiệp khi nhận thông báo thanh tra thuế
- Giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thuế.
- Khiếu nại về quyết định, hành vi của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại về kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại; trong khi chờ giải quyết khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải thực hiện các quyết định đó.
- Nhận biên bản thanh tra thuế và yêu cầu giải thích nội dung biên bản thanh tra thuế.
- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra thuế, thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế và thành viên của đoàn thanh tra thuế theo quy định của pháp luật.
4.2 Nghĩa vụ của doanh nghiệp khi nhận thông báo thanh tra thuế
- Chấp hành quyết định thanh tra thuế.
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
- Thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra thuế, quyết định xử lý của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, các thành viên của đoàn thanh tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Ký biên bản thanh tra.
Hy vọng rằng, qua bài viết này, bạn đã có được cái nhìn sâu sắc hơn về thời hạn thanh tra thuế, kiểm tra thuế cùng với những lưu ý trong quy trình kiểm tra thuế. Việc nắm rõ những thông tin này sẽ giúp kế toán chuẩn bị tốt hơn trong việc tuân thủ các quy định về thuế. Hãy tiếp tục theo dõi Safebooks để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác về thuế và kế toán.