Những trường hợp nào mà người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về những trường hợp người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế như sau:
– Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.
– Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản.
– Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.
– Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
– Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.
Theo như quy định trên thì trong khoản thời gian trước đây, người nộp thuế sẽ không phải nộp hồ sơ khai thuế trong 5 trường hợp nêu trên.
Tuy nhiên, tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP đã quy định thêm trường hợp mà người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế
…
Người khai thuế thu nhập cá nhân là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế theo tháng, quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nhận thu nhập.
Theo đó, từ khi Nghị định 91/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì nếu trong tháng, quý không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nhận thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập theo quy định khai thuế theo tháng, quý sẽ không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân trong tháng, quý đó.
Kỳ tính thuế thu nhập cá nhân được xác định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 7 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 một số quy định được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định về kỳ tính thuế thu nhập cá nhân như sau:
– Kỳ tính thuế đối với cá nhân cư trú được quy định như sau:
+ Kỳ tính thuế theo năm áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công;
+ Kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng;
+ Kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
– Kỳ tính thuế đối với cá nhân không cư trú được tính theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với tất cả thu nhập chịu thuế.
Không nộp tờ khai thuế TNCN sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.
Theo như quy định trên, căn cứ vào thời gian quá hạn nộp tờ khai thuế TNCN để xác định mức xử phạt hành chính theo quy định trên.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm cũng sẽ phải buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả bên cạnh việc bị xử phạt hành chính.
Chú ý, mức xử phạt hành chính theo quy định trên chỉ áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức xử phạt hành chính bằng một nửa so với tổ chức vi phạm.
Nghị định 91/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 30/10/2022.