Thông tư số 29/2022/TT-BTC quy định về Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành hải quan như sau:
Điều 14. Kiểm tra viên cao cấp hải quan (mã số 08.049)
1. Chức trách
Kiểm tra viên cao cấp hải quan là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao nhất trong lĩnh vực hải quan, bố trí đối với các chức danh lãnh đạo cấp Tổng cục, cấp Vụ, Cục và tương đương, lãnh đạo Cục hải quan tỉnh, thành phố giúp lãnh đạo thực hiện chỉ đạo, tổ chức triển khai và trực tiếp thực thi pháp luật về hải quan theo quy định của Luật Hải quan với quy mô lớn, độ phức tạp cao, tiến hành trong phạm vi liên tỉnh hoặc toàn quốc.
2. Nhiệm vụ
a) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan đối với đối tượng có phức tạp về quy mô và tính chất, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực về kinh tế, xã hội, an ninh và đối ngoại;
b) Chủ trì đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các chế độ, chính sách, các quy định trong quản lý nhà nước về hải quan;
c) Tổng hợp, phân tích, đánh giá hoạt động nghiệp vụ hải quan và các hoạt động khác có liên quan đến nghiệp vụ hải quan;
d) Chủ trì chuẩn bị nội dung tổng kết về nghiệp vụ hải quan ở trong nước và trao đổi nghiệp vụ hải quan với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có quan hệ hợp tác về hải quan với Việt Nam;
đ) Chủ trì nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan; tổ chức xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ hải quan; biên soạn tài liệu, giáo trình nghiệp vụ về hải quan và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức hải quan.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm vững đường lối chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật kinh tế, tài chính, các chính sách chế độ của Nhà nước liên quan đến công tác Hải quan và luật pháp quốc tế liên quan đến nghiệp vụ hải quan;
b) Có kiến thức toàn diện về chuyên môn nghiệp vụ hải quan. Có năng lực nghiên cứu chuyên sâu và tổ chức thực hiện một hoặc một số lĩnh vực nghiệp vụ hải quan;
c) Có khả năng nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đánh giá và dự báo tình hình về hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời đề xuất xây dựng, bổ sung, sửa đổi các quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ hải quan phù hợp với định hướng chiến lược phát triển ngành Hải quan;
d) Có năng lực đề xuất, tham mưu hoạch định chính sách, chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, đề án gắn với lĩnh vực hải quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
đ) Có năng lực nghiên cứu khoa học; có năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực hải quan;
e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm;
b) Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị – hành chính hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền;
c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị – hành chính.
5. Đối với công chức dự thi nâng ngạch kiểm tra viên cao cấp hải quan thì ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đang giữ ngạch Kiểm tra viên chính hải quan và có thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên chính hải quan hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên, trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch Kiểm tra viên chính hải quan tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
b) Trong thời gian giữ ngạch kiểm tra viên chính hải quan hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng ít nhất 02 (hai) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp ban, cấp ngành hoặc cấp tỉnh trong lĩnh vực tài chính, hải quan đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu. Cụ thể:
Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc có văn bản giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng của người có thẩm quyền đối với trường hợp không bắt buộc phải thành lập Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp ban, cấp ngành hoặc cấp tỉnh hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Điều 15. Kiểm tra viên chính hải quan (mã số 08.050)
1. Chức trách
Kiểm tra viên chính hải quan là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao của ngành hải quan ở cấp Chi cục và tương đương trở lên, giúp lãnh đạo chủ trì, tổ chức và thực thi pháp luật về hải quan theo quy định của Luật Hải quan tại các đơn vị trong ngành Hải quan.
2. Nhiệm vụ
a) Tổ chức thực hiện quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ hải quan; trực tiếp xử lý đối với các trường hợp có tình tiết phức tạp;
b) Tổng hợp, đánh giá công tác nghiệp vụ đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ phù hợp với tình hình thực tế;
c) Tham gia xây dựng quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ hải quan và các văn bản, quy định liên quan;
d) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn tài liệu, giáo trình nghiệp vụ của ngành hải quan, tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức hải quan;
đ) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng đề tài, đề án, dự án được ứng dụng vào công tác của ngành; chủ trì hoặc tham gia tổ chức nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực nghiệp vụ hải quan.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm vững đường lối chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác hải quan; nắm được chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, của ngành Tài chính;
b) Nắm vững các nguyên tắc, chế độ, quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ hải quan và có khả năng tổ chức thực hiện quy trình nghiệp vụ hải quan thuộc lĩnh vực chuyên sâu;
c) Chủ trì, tổ chức xây dựng hoàn thiện thể chế; chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện; xây dựng các đề án, dự án đối với nghiệp vụ hải quan;
d) Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất xây dựng, bổ sung, sửa đổi một số quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ hải quan;
đ) Có kỹ năng thu thập thông tin và xử lý thông tin; có khả năng quản lý và tổ chức điều hành trong lĩnh vực hải quan;
e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị – hành chính.
5. Đối với công chức dự thi nâng ngạch kiểm tra viên chính hải quan thì ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đang giữ ngạch Kiểm tra viên hải quan và có thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên hải quan hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch Kiểm tra viên hải quan tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
b) Trong thời gian giữ ngạch kiểm tra viên hải quan hoặc tương đương đã tham gia xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên (cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tương đương cấp Cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ trở lên, gồm: Cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; Hội đồng nhân dân cấp huyện, các Ban trực thuộc Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố) trong lĩnh vực tài chính, hải quan đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu. Cụ thể:
Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền đối với trường hợp không bắt buộc phải thành lập Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo hoặc Tổ giúp việc, Tổ biên tập, Tổ biên soạn đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền.
Điều 16. Kiểm tra viên hải quan (mã số 08.051)
1. Chức trách
Kiểm tra viên hải quan là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ bản của ngành hải quan, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong các quy chế quản lý, trong các quy trình nghiệp vụ hải quan theo sự phân công của lãnh đạo.
2. Nhiệm vụ
a) Thực hiện quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; hành khách, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật;
b) Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để điều tra, thu thập, xử lý thông tin đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
c) Đề xuất ý kiến với lãnh đạo giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực hiện quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ hải quan.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm vững chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác hải quan; nắm được chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, của ngành Tài chính;
b) Nắm chắc và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc, chế độ, quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ hải quan và có khả năng nghiên cứu, đề xuất triển khai hoặc bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ hải quan trong phạm vi nhiệm vụ được giao;
c) Có khả năng tiếp thu, nắm bắt các kỹ năng cần thiết cho công tác chuyên môn như: kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật được trang bị;
d) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương.
5. Đối với công chức dự thi nâng ngạch kiểm tra viên hải quan thì ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này phải đang giữ ngạch Kiểm tra viên trung cấp hải quan và có thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên trung cấp hải quan hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch Kiểm tra viên trung cấp hải quan tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
Điều 17. Kiểm tra viên trung cấp hải quan (mã số 08.052)
1. Chức trách
Kiểm tra viên trung cấp hải quan là công chức thực thi các nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ của ngành hải quan, được lãnh đạo giao trực tiếp thực hiện một số công việc thuộc lĩnh vực nghiệp vụ công tác hải quan.
2. Nhiệm vụ
a) Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh;
b) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công và chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm được chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác hải quan; nắm được các thủ tục hành chính và chương trình cải cách hành chính của Chính phủ và của ngành;
b) Nắm vững quy trình nghiệp vụ hải quan trong phạm vi nhiệm vụ được giao;
c) Có khả năng tiếp thu, nắm bắt các kỹ năng cần thiết cho công tác: kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật được trang bị;
d) Sử dụng thành thạo các thiết bị văn phòng và các trang thiết bị khác phục vụ yêu cầu nhiệm vụ.
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
5. Đối với công chức dự thi nâng ngạch kiểm tra viên trung cấp hải quan thì ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này phải đang giữ ngạch Nhân viên hải quan và có thời gian giữ ngạch Nhân viên hải quan hoặc tương đương tối thiểu là 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch Nhân viên hải quan tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
Điều 18. Nhân viên hải quan (mã số 08.053)
1. Chức trách
Nhân viên hải quan là công chức thừa hành ở các đơn vị hải quan cơ sở và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể thuộc chuyên môn nghiệp vụ hải quan do lãnh đạo phân công.
2. Nhiệm vụ
a) Thực hiện việc giám sát hải quan theo quy định của pháp luật trên địa bàn được phân công;
b) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công và chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm được các quy trình nghiệp vụ hải quan và quy định liên quan đến nhiệm vụ được giao. Tuyệt đối chấp hành sự chỉ đạo về nghiệp vụ và phân công nhiệm vụ của cấp trên;
b) Có năng lực thực hiện một số lĩnh vực nghiệp vụ hải quan đơn giản được giao;
c) Sử dụng được công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật được trang bị.
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.