Ý Nghĩa Của Phân Tích Báo Cáo Tài Chính

Báo cáo tài chính phản ánh toàn bộ những thông tin kinh tế và tài chính của một doanh nghiệp. Do đó, đọc báo cáo tài chính là việc cần thiết giúp cho các nhà quản trị có thể nắm bắt được tình hình của doanh nghiệp và đưa ra những quyết định quản trị tối ưu nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính cũng là nguồn thông tin ý nghĩa đối với các đối tượng bên ngoài, có liên quan đến việc đầu tư và tài chính của doanh nghiệp. Phần mềm kế toán Safebooks sẽ giúp quý anh/chị hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.

Ảnh minh họa ý nghĩa của phân tích báo cáo tài chính

Ý nghĩa của việc đọc và phân tích báo cáo tài chính

Phân tích Báo cáo tài chính là một trong những nội dung cơ bản của phân tích kinh doanh. Bản chất của phân tích Báo cáo tài chính là xác định các nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả và hiệu quả kinh doanh của các tổ chức làm cơ sở để đưa ra những biện pháp, các quyết định tốt hơn khi sử dụng các nguồn lực tài chính và các yếu tố khác nằm đạt được kết quả cao hơn. Vì vậy, phân tích Báo cáo tài chính được xem là một yêu cầu thường xuyên và đóng vai trò quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.

Như đã đề cập trước đó, đọc hiểu Báo cáo tài chính không chỉ có ý nghĩa đối với các chủ doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa đối với nhiều đối tượng khác liên quan đến doanh nghiệp như: chủ đầu tư, chủ nợ, cơ quan chính quyền… Đọc hiểu Báo cáo tài chính có ý nghĩa đối với từng nhóm đối tượng như sau:

Đối với chủ thể doanh nghiệp

Mục tiêu của mọi doanh nghiệp là luôn muốn hoạt động kinh doanh của mình có thể phát triển và thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, với môi trường kinh doanh luôn biến động và bản thân doanh nghiệp cũng có thể mắc phải các sai lầm trong chiến lược kinh doanh.

Chính vì vậy, sau mỗi kỳ kế toán khi đã lập báo cáo tài chính thì bản thân doanh nghiệp cũng cần phải phân tích báo cáo của doanh nghiệp mình. Từ đó phát hiện những vấn đề, đưa ra các nhận định và định hướng chiến lược cho kế hoạch kinh doanh, tài chính doanh nghiệp, nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ đánh giá khả năng tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh trong từng giai đoạn, từng bộ phận, khả năng sinh lời, khả năng tích lũy lợi nhuận doanh nghiệp từ đó hướng các quyết định của Ban giám đốc theo chiều hướng phù hợp với thực tế của doanh nghiệp, như quyết định về đấu thầu, huy động vốn và phân phối lợi nhuận.

Thông qua Báo cáo tài chính, doanh nghiệp có thể dự đoán tài chính, kế hoạch cung ứng vật tư, kế hoạch huy động và đầu tư vốn. Phân tích báo cáo tài chính làm nổi bật các dự đoán tài chính, mà dự đoán tài chính là nền tảng của hoạt động quản lý, nó làm sáng tỏ không chỉ chính sách tài chính mà cả các chính sách chung của doanh nghiệp. Phân tích báo cáo tài chính còn là cơ sở đưa ra các quyết định dài hạn góp phần củng cố uy tín, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong nền kinh tế cạnh tranh và phát triển.

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính còn là cơ sở kiểm tra, kiểm soát các hoạt động tài chính và hoạt động quản lý của mọi cấp quản trị. Thông qua việc phân tích báo cáo tài chính cũng góp phần hoàn thiện cơ chế tài chính thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đối với cán bộ, công nhân viên

Cán bộ, công nhân viên là những người có nguồn thu nhập gắn với lợi ích của doanh nghiệp. Phân tích Báo cáo tài chính giúp họ hiểu được tính ổn định và định hướng công việc trong hiện tại và tương lai đối với doanh nghiệp. Qua đó xây dựng niệm tin của cán bộ công nhân viên đối với từng quyết định kinh doanh của chủ thể quản lý.

Ý nghĩa phân tích báo cáo tài chính đối với các nhà đầu tư

Các nhà đầu tư của doanh nghiệp bao gồm nhiều đối tượng: Các cổ đông mua cổ phiếu, các công ty góp vốn liên doanh…

Trước khi đưa ra quyết định đầu tư, các nhà đầu tư luôn mong muốn nắm bắt được tình hình của công ty. Mối quan tâm của các nhà đầu tư lúc này sẽ là tình hình tài chính của công ty đó có tốt không? Khả năng thanh toán như thế nào? Khả năng sinh lợi của công ty đó trong tương lai ra sao? Và mức độ rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp đó thế nào…

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ là câu trả lời cho những thắc mắc đó của nhà đầu tư để họ đưa ra quyết định có nên đầu tư vào doanh nghiệp hay không.

Đối với những người cho vay, các tổ chức tín dụng

Các doanh nghiệp kinh doanh thường sử dụng vốn vay để góp phần tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Do đó vốn vay thường chiếm tỷ trọng tương đối để đáp ứng các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng giống như những nhà đầu tư, báo cáo tài chính doanh nghiệp cũng đóng vai trò cung cấp thông tin để các chủ nợ cân nhắc, tính toán và quyết định có nên cho doanh nghiệp đó vay tiền hay không. Vì các vấn đề quan tâm của chủ nợ lúc này sẽ là công ty đó vay nợ để làm gì? Hiện tại nợ là bao nhiêu? Khả năng thanh toán ngắn hạn, dài hạn và khả năng sinh lời của vốn thế nào? Nguồn tiền trả nợ của công ty từ đâu?…

Nếu số liệu trong Báo cáo tài chính chứng minh được nhiều nguồn trả nợ thì khả năng doanh nghiệp được vay là cao. Thông tin từ việc phân tích báo cáo tài chính sẽ đưa ra các quyết định cho vay phù hợp với tối tượng cụ thể. Đồng thời hạn chế rủi ro thấp nhất cho các chủ cho vay.

Ý nghĩa phân tích báo cáo tài chính đối với các cơ quan chính quyền

Mỗi cơ quan chính quyền sẽ có chức trách và nhiệm vụ khác nhau. Đó có thể là việc thực hiện quá trình kiểm soát, ngăn ngừa hay thúc đẩy tình hình phát triển của doanh nghiệp. Để có thể thực hiện các công việc này, các cơ quan chức năng cần phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp để có thể nắm được các thông tin cần thiết.

Đối với các nhóm đối tượng khác

Đọc và phân tích báo cáo tài chính cũng mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho một số đối tượng khác trong các hoạt động như ký kết hợp đồng, đấu thầu, mua lại hoặc sáp nhập… trong trường hợp tình hình tài chính của doanh nghiệp tốt.

Từ những phân tích trên ta thấy được báo cáo tài chính có vai trò rất quan trọng đối với nhiều đối tượng. Báo cáo tài chính là một công cụ hữu ích xác định giá trị kinh tế, đánh giá các điểm mạnh, điểm yếu tài chính của doanh nghiệp từ đó phát hiện được những nguyên nhân bên trong và ngoài, làm cơ sở để các nhà quản trị và các đối tượng khác đưa ra các quyết định phù hợp với mục tiêu họ quan tâm.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *