Khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì kế toán cần xác định các khoản chi phí được trừ và chi phí không được trừ nhằm bảo đảm tính đúng số thuế và quyền lợi của doanh nghiệp. Dưới đây là các khoản chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
1. Các khoản chi được trừ khi tính thuế
Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, trừ các khoản chi không được trừ thì doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Như vậy, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng như: Chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị dưới 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
2. Một số khoản chi phí được trừ khác khi xác định thu nhập chịu thuế:
Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, ngoài các khoản chi phí được trừ như trên thì tại quy định về các khoản chi phí được trừ cũng có một số quy định lưu ý trong đó nêu rõ những khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cụ thể:
(1) Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cụ thể như sau:
– Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.
– Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
(2) Riêng tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như:
– Nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo, dạy nghề, thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị, nội thất đủ điều kiện là tài sản cố định lắp đặt trong các công trình nêu trên;
– Bể chứa nước sạch, nhà để xe;
– Xe đưa đón người lao động, nhà ở trực tiếp cho người lao động;
– Chi phí xây dựng cơ sở vật chất, chi phí mua sắm máy, thiết bị là tài sản cố định dùng để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Phần mềm kế toán Safebooks.vn hỗ trợ doanh nghiệp công tác kê khai thuế nhanh chóng, đơn. Cụ thể, Safebooks.vn cung cấp đầy đủ báo cáo tài chính theo thông tư 200/2014/TT-BTC, 133/2016/TT-BTC và tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo tài chính, đảm bảo việc đáp ứng đầy đủ quy định hiện hành của kế toán doanh nghiệp. Ngoài ra, phần mềm còn có tính năng nhắc các doanh nghiệp về hạn kê khai, quyết toán và nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, môn bài…giúp doanh nghiệp tránh khỏi nguy cơ bị phạt quá hạn theo quy định tại nghị định 125/2020/NĐ-CP.