Trong trường hợp khách hàng sử dụng hàng hóa, dịch vụ và nhận hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn hay ngưng hoạt động thì phải làm sao? Trong bài viết này, Safebooks sẽ giới thiệu một cách chi tiết cách kiểm tra hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, ngưng hoạt động cùng cách xử lý.
Cách kiểm tra hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng hoạt động
Cách kiểm tra hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn khá đơn giản, bạn hãy truy cập vào website Tra cứu thông tin hóa đơn của Tổng cục Thuế Nhà nước để xem tình trạng của hóa đơn đó.
Trong quá trình xử lý hóa đơn bất hợp pháp, việc kiểm tra hóa đơn mua vào đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định.
Quy trình kiểm tra này giúp xác minh chắc chắn rằng giao dịch mua bán hàng hóa và dịch vụ là có thật và được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Dưới đây là các bước cụ thể trong quá trình kiểm tra hóa đơn mua vào của doanh nghiệp bỏ trốn:
- Đảm bảo rằng hàng hóa và dịch vụ thực sự đã được mua vào và sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Kiểm tra tính chính xác của thông tin liên quan đến hàng hóa và dịch vụ trong hóa đơn.
- Cơ sở kinh doanh phải cung cấp các chứng từ chứng minh giao dịch mua bán hàng hóa và dịch vụ, bao gồm hợp đồng mua bán, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, và các văn bản chứng từ khác.
- Cơ sở kinh doanh phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin giao dịch.
- Xác minh rằng quá trình hạch toán kế toán cho các giao dịch mua bán và sử dụng hóa đơn được thực hiện đầy đủ và đúng quy định.
- Đảm bảo các thông tin về thuế GTGT và chi phí được xác định chính xác trong quá trình kế toán.
Cách xử lý khi có hóa đơn mua vào của doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp có rủi ro
Trong trường hợp khách hàng phát hiện hoặc nhận được thông báo từ cơ quan Thuế về những hóa đơn bất hợp pháp, việc xử lý hóa đơn này đòi hỏi sự xác minh kỹ lưỡng và tuân thủ theo quy định pháp luật.
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách kiểm tra và xử lý hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn:
Xác định thời điểm phát sinh hóa đơn
Bạn cần xác định xem hóa đơn mua hàng phát sinh trước hay sau khi doanh nghiệp bỏ trốn, vì tùy vào thời điểm phát sinh hóa đơn mà sẽ có cách xử lý khác nhau. Chẳng hạn:
- Hóa đơn mua vào phát sinh sau khi doanh nghiệp bỏ trốn hay ngưng hoạt động: Khách hàng (là người mua) sẽ không được khấu trừ phần thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào cũng như không được tính vào phần chi phí khi muốn xác định phần thu nhập chịu thuế.
- Hóa đơn phát sinh trước khi doanh nghiệp bỏ trốn: Lúc này, cơ quan Thuế sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh tính chân thực của hóa đơn này, rằng đã có giao dịch mua bản hay chỉ là hóa đơn bất hợp pháp.
Trường hợp cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn để kê khai khấu trừ thuế GTGT
Nếu khách hàng nằm trong trường hợp sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp bỏ trốn hoặc ngừng hoạt động để kê khai khấu trừ thuế GTGT cũng như tính vào chi phí xác định thu nhập chịu thuế mà:
Thời điểm giao dịch mua bán diễn ra TRƯỚC ngày cơ quan Thuế hoặc cơ quan chức năng chưa có đủ căn cứ để xác định doanh nghiệp bỏ trốn hay ngưng hoạt động, tính bất hợp pháp của hóa đơn mua vào chưa được thông báo chính thức thì:
Cơ quản thuế phải tiến hành kiểm tra và xác định lại vụ việc một cách kỹ lưỡng.
Xử lý khấu trừ, hoàn thuế GTGT
Trường hợp 1: Doanh nghiệp chưa kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng
Doanh nghiệp chỉ được phép kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với các hóa đơn hợp lệ, không có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp doanh nghiệp đang tiến hành kê khai khấu trừ thuế GTGT nhưng hóa đơn có dấu hiệu vi phạm, thì cơ quan thuế sẽ thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng việc kê khai và chờ kết quả chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT
Trong trường hợp kiểm tra và phát hiện hóa đơn vi phạm, doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT theo quy định sẽ được cơ quan thuế thông báo bằng văn bản biết về việc điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khấu trừ.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp khẳng định rằng việc mua bán hàng hóa và hóa đơn đầu vào sử dụng để kê khai khấu trừ là đúng quy định thì xử lý theo phương án sau:
- Cam kết trách nhiệm trước pháp luật: Doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác và đúng quy định của thông tin trong quá trình giao dịch và sử dụng hóa đơn.
- Thanh tra và kiểm tra: Cơ quan thuế thực hiện thanh tra và kiểm tra tại doanh nghiệp để xác minh tính hợp lệ của các thông tin giao dịch.
Quá trình thanh tra và kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền bao gồm xác minh và đối chiếu với các nội dung để chứng minh hóa đơn là hợp lệ:
- Kiểm tra hàng hóa: Xác minh thông tin về hợp đồng mua bán hàng hóa, hình thức giao nhận, địa điểm giao nhận, phương tiện vận chuyển, chi phí vận chuyển, chủ sở hữu hàng hóa và nguồn gốc hàng hóa.
- Kiểm tra thanh toán: Xác minh thông tin về ngân hàng giao dịch, đối tượng nộp tiền, số lần thực hiện giao dịch, hình thức thanh toán và các chứng từ liên quan.
- Kiểm tra xuất khẩu hàng hóa: Xác minh thông tin từ tờ khai hải quan, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, và vận đơn.
Giải quyết kết quả thanh tra và kiểm tra:
- Nếu xác minh được việc mua bán hàng hóa đúng quy định pháp luật, cơ quan thuế sẽ giải quyết cho doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế GTGT.
- Yêu cầu doanh nghiệp cam kết trách nhiệm nếu trong tương lai phát hiện sai phạm, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Xử lý vi phạm nghiêm trọng:
- Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế hoặc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế sẽ tiến hành lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp 3: Doanh nghiệp chưa được hoàn thuế
Trong quá trình kiểm tra và xác định có sai phạm, nhưng doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ đã kê khai khấu trừ thuế GTGT nhưng chưa được hoàn thuế thì:
- Cơ quan chức năng sẽ tạm dừng hoàn thuế theo hướng dẫn tại điểm 3 của Công văn số 13706/BTC-TCT.
- Chỉ tạm dừng hoàn thuế đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ của hóa đơn có dấu hiệu vi phạm;
- Vẫn thực hiện khấu trừ thuế GTGT và hoàn thuế đầy đủ theo quy định pháp luật đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc hóa đơn vi phạm.
Trường hợp 4: Doanh nghiệp đã được hoàn thuế
Lúc này, cơ quan thuế sẽ ra thông báo bằng văn bản gửi cho doanh nghiệp để điều chỉnh thuế GTGT.
Nếu doanh nghiệp khẳng định giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ là hợp lý, việc kê khai khấu trừ thuế GTGT dựa trên hóa đơn là đúng quy định thì doanh nghiệp có trách nhiệm cam kết chịu trách nhiệm về hồ sơ kê khai, hoàn thuế GTGT trước pháp luật.
Trên cơ sở này, cơ quan thuế tiến hành tiến hành thanh tra tại doanh nghiệp để đưa ra kết luận và xử lý các vi phạm theo quy định.
Trong quá trình thanh tra tại doanh nghiệp, cơ quan thuế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Mục tiêu của việc này là kiểm tra hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp này, xác minh và đưa ra kết luận về các hành vi vi phạm liên quan đến những hóa đơn mà doanh nghiệp đã sử dụng để kê khai khấu trừ và hoàn thuế GTGT.
Trường hợp 5: Trường hợp doanh nghiệp bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về thuế
Cơ quan thuế sẽ tiến hành tạo và chuyển hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn từ các doanh nghiệp liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp trung gian khâu trước, có dấu hiệu vi phạm về việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, cơ quan thuế sẽ thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để tự kê khai điều chỉnh thuế GTGT.
Điều này áp dụng khi doanh nghiệp đã mua bán hàng hóa trong quá khứ và có các vi phạm liên quan.
Nếu doanh nghiệp tự thực hiện kiểm tra và đối chiếu với các khách hàng liên quan, và nhận thấy rằng việc mua bán hàng hóa và hóa đơn GTGT đầu vào được kê khai khấu trừ đúng theo quy định pháp luật, thì doanh nghiệp cần cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lập hồ sơ kê khai và hoàn thuế GTGT của mình.
Cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn thuế cho doanh nghiệp theo quy trình và thủ tục quy định. Đồng thời, cơ quan thuế sẽ tổ chức kiểm tra ngay sau đó, tuân theo các quy định đề ra.
FAQs – Câu hỏi thường gặp
Doanh nghiệp bỏ trốn là gì?
Doanh nghiệp bỏ trốn là trường hợp những chủ doanh nghiệp biến mất, bỏ trốn; doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan thuế hoặc qua thực tế kiểm tra doanh nghiệp không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký và không liên hệ được với doanh nghiệp.
Cách kiểm tra doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng hoạt động?
Cách để kiểm tra và nhận biết doanh nghiệp còn hoạt động hay đã bỏ trốn hoặc ngừng, bạn truy cập vào trang web Thuế Việt Nam – Tổng Cục Thuế – Bộ Tài Chính, yêu cầu có mã số thuế của doanh nghiệp cần kiểm tra.
Danh sách doanh nghiệp bỏ trốn 2023
Dựa theo các Công văn 133/TCT-TTHT (ban hành ngày 23/11/2022), Công văn 1798/TCT-TTKT (ban hành ngày 16/05/2023) cùng các công văn khác do cơ quan thuế cùng Bộ Công an ban hành, hiện tại có gần 1500 doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng hoạt động do chịu rủi ro về thuế.
Tham khảo: Thư viện pháp luật – Danh sách gần 1500 doanh nghiệp rủi ro, bán hóa đơn (tham khảo)?
Doanh nghiệp bỏ trốn có sao không?
Người đại diện theo pháp luật của những doanh nghiệp bỏ trốn có nợ thuế, trốn thuế sẽ gặp phải những vấn đề như sau:
Tạm hoãn xuất cảnh khỏi Việt Nam khi đang nợ thuế
Pháp luật quy định: “Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh về cá nhân, người nộp thuế.”
Không được thành lập doanh nghiệp mới
Một số chủ doanh nghiệp đã lựa chọn phương án “bỏ doanh nghiệp”. Tuy nhiên, sau một thời gian thì các chủ doanh nghiệp này lại tiếp tục muốn thành lập doanh nghiệp khác và bỏ mặc “khoản thuế đang nợ” của doanh nghiệp cũ.
Nhưng hiện nay nhờ việc liên thông thông tin giữa các Cơ quan nhà nước mà vấn đề này đã được xử lý. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, Sở Kế Hoạch và Đầu Tư sẽ tiến hành tra cứu, rà soát theo thông tin chứng thực cá nhân, Người đại diện nào đứng tên doanh nghiệp đang nợ thuế, bỏ trốn sẽ không được cấp mã số thuế để thành lập doanh nghiệp mới mà sẽ được yêu cầu xử lý nợ thuế của doanh nghiệp cũ tồn đọng trước.
Kết luận
Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách kiểm tra và xử lý hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn một cách chi tiết theo từng trường hợp. Hy vọng thông qua bài viết này, quý bạn đọc sẽ có thêm tư liệu để quá trình kế toán doanh nghiệp diễn ra hiệu quả.