Thông tư số 29/2022/TT-BTC quy định về Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành dự trữ quốc gia như sau:
Điều 19. Kỹ thuật viên bảo quản chính (mã số 19.220)
1. Chức trách
Kỹ thuật viên bảo quản chính là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao của ngành dự trữ quốc gia; giúp lãnh đạo chủ trì, tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý chất lượng, bảo quản hàng dự trữ quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia; triển khai kỹ thuật và công nghệ bảo quản để bảo đảm an toàn chất lượng hàng dự trữ quốc gia do đơn vị quản lý.
2. Nhiệm vụ
a) Tổ chức thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, quy định, quy trình kỹ thuật, quy chế quản lý chất lượng, quản lý công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia, quản lý định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia; trực tiếp xử lý đối với các trường hợp có yêu cầu kỹ thuật phức tạp và chịu trách nhiệm cá nhân về các chỉ số chất lượng đối với hàng dự trữ quốc gia trực tiếp kiểm tra, theo dõi và thiết bị được giao quản lý;
b) Tham gia tổng hợp, đánh giá công tác nghiệp vụ, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy trình kỹ thuật, quy chế quản lý, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia;
c) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng đề tài, đề án, dự án được ứng dụng vào công tác của ngành; chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, triển khai kỹ thuật và công nghệ bảo quản mới để bảo đảm an toàn chất lượng hàng dự trữ quốc gia;
d) Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiệp vụ công tác bảo quản, quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia của các Chi cục Dự trữ Nhà nước trước khi nhập, xuất kho và quá trình hàng hóa lưu kho theo quy định;
đ) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn tài liệu, giáo trình nghiệp vụ của ngành dự trữ, tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm vững đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dự trữ quốc gia; nắm vững chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, của ngành Tài chính, ngành dự trữ quốc gia và chiến lược phát triển của ngành tài chính, ngành dự trữ quốc gia;
b) Nắm vững các nguyên tắc, chế độ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chế quản lý chất lượng, quản lý công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia thuộc lĩnh vực chuyên sâu;
c) Có chuyên môn sâu về nghiệp vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia; có kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dự trữ quốc gia;
d) Có khả năng tổ chức hướng dẫn, thực hiện chế độ, chính sách, các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực dự trữ quốc gia; tổ chức phối hợp, tổ chức kiểm tra, tổng kết thực thi chính sách trong lĩnh vực dự trữ quốc gia;
đ) Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất xây dựng, bổ sung, sửa đổi một số quy trình kỹ thuật, quy chế quản lý chất lượng, quản lý công tác bảo quản định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia;
e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị – hành chính.
5. Đối với công chức dự thi nâng ngạch Kỹ thuật viên bảo quản chính thì ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đang giữ ngạch Kỹ thuật viên bảo quản và có thời gian giữ ngạch Kỹ thuật viên bảo quản hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch Kỹ thuật viên bảo quản tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
b) Trong thời gian giữ ngạch Kỹ thuật viên bảo quản hoặc tương đương đã tham gia xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên (cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tương đương cấp Cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ trở lên, có con dấu, tài khoản riêng, được cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học gồm: Cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; Hội đồng nhân dân cấp huyện, các Ban trực thuộc Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố) trong lĩnh vực tài chính, dự trữ nhà nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu. Cụ thể:
Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền đối với trường hợp không bắt buộc phải thành lập Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo hoặc Tổ giúp việc, Tổ biên tập, Tổ biên soạn đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền.
Điều 20. Kỹ thuật viên bảo quản (mã số 19.221)
1. Chức trách
Kỹ thuật viên bảo quản là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ bản của ngành dự trữ quốc gia; trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật; quy định, quy trình kỹ thuật; quy chế quản lý chất lượng, quản lý công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia; thực hiện các biện pháp kỹ thuật và công nghệ bảo quản để bảo đảm an toàn chất lượng hàng dự trữ quốc gia theo sự phân công của lãnh đạo.
2. Nhiệm vụ
a) Thực hiện các quy định, quy trình kỹ thuật bảo quản, nội dung định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị;
b) Thực hiện kiểm tra công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định chung của Nhà nước;
c) Thực hiện công tác kiểm nghiệm, phân tích, xử lý các số liệu điều tra chọn mẫu, quản lý tiêu chuẩn chất lượng đối với hàng dự trữ quốc gia trước khi nhập, xuất kho và quá trình hàng hóa lưu kho theo quy định;
d) Tham gia nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để không ngừng nâng cao hiệu quả bảo quản hàng dự trữ quốc gia; tham gia nghiên cứu hoặc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia;
đ) Xác định các chỉ số chất lượng đối với hàng hóa dự trữ quốc gia được phân công trực tiếp kiểm tra, theo dõi và các trang thiết bị được giao trực tiếp quản lý.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến công tác dự trữ quốc gia; những vấn đề cơ bản về chương trình cải cách hành chính của Chính phủ; ngành tài chính và chiến lược phát triển của ngành tài chính, ngành dự trữ quốc gia;
b) Nắm vững và vận dụng các nguyên tắc, chế độ, quy trình kỹ thuật, quy chế quản lý chất lượng, quản lý công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia;
c) Sử dụng phương tiện kỹ thuật được giao và thực hiện các công việc liên quan đến kiểm nghiệm, phân tích xử lý và quản lý tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia trong quá trình nhập, xuất và lưu kho theo quy định;
d) Có khả năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp liên quan đến quy trình, quy phạm và kỹ thuật công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia;
đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương.
5. Đối với công chức dự thi nâng ngạch Kỹ thuật viên bảo quản thì ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này phải đang giữ ngạch Kỹ thuật viên bảo quản trung cấp và có thời gian giữ ngạch Kỹ thuật viên bảo quản trung cấp hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch Kỹ thuật viên bảo quản trung cấp tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Điều 21. Kỹ thuật viên bảo quản trung cấp (mã số 19.222)
1. Chức trách
Kỹ thuật viên bảo quản trung cấp là công chức thực thi các nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ của ngành dự trữ quốc gia, được lãnh đạo giao trực tiếp thực hiện một số công việc thuộc lĩnh vực quản lý chất lượng, bảo quản và quản lý định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia theo quy trình kỹ thuật quy định.
2. Nhiệm vụ
a) Trực tiếp thực hiện nghiệp vụ kỹ thuật và nghiệm thu công tác chuẩn bị kho, phương tiện giao nhận, thiết bị kiểm tra, đo lường để phục vụ công tác nhập, xuất hàng hóa dự trữ theo phân công của lãnh đạo;
b) Trực tiếp thực hiện nghiệp vụ kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa dự trữ quốc gia trước khi nhập, xuất kho bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật theo quy định; trực tiếp lấy mẫu, phân tích mẫu, lập hồ sơ kỹ thuật và báo cáo theo đúng quy định;
c) Trực tiếp kiểm tra, giám sát và hướng dẫn công tác bảo quản và theo dõi chất lượng hàng dự trữ quốc gia của Chi cục Dự trữ Nhà nước; hướng dẫn việc ghi chép nhật ký bảo quản của các thủ kho bảo quản; báo cáo, đề xuất phương án xử lý kịp thời các sự cố xảy ra đối với hàng hóa trong quá trình bảo quản;
d) Xác định các chỉ số chất lượng đối với hàng hóa dự trữ quốc gia được phân công trực tiếp kiểm tra, theo dõi và các trang thiết bị được giao trực tiếp quản lý.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm được những vấn đề cơ bản của pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến công tác dự trữ quốc gia, chương trình cải cách hành chính, chiến lược phát triển của ngành dự trữ quốc gia;
b) Nắm vững trình tự, thủ tục, quy trình nghiệp vụ lĩnh vực quản lý chất lượng, bảo quản và quản lý định mức kinh tế – kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia;
c) Có khả năng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát bảo quản và theo dõi chất lượng hàng dự trữ quốc gia; xử lý một số hiện tượng thường xảy ra trong quá trình bảo quản, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa;
d) Có khả năng sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật, các thiết bị văn phòng và các trang thiết bị khác phục vụ yêu cầu nhiệm vụ.
4. Về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên với chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
Điều 22. Thủ kho bảo quản (mã số 19.223)
1. Chức trách
Thủ kho bảo quản là công chức thực thi nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ của ngành dự trữ quốc gia, trực tiếp thực hiện quy trình, kỹ thuật bảo quản để giữ gìn, bảo quản hàng dự trữ quốc gia; chịu trách nhiệm toàn bộ về số lượng và chất lượng hàng dự trữ quốc gia được giao quản lý.
2. Nhiệm vụ
a) Thực hiện công tác chuẩn bị kho và các dụng cụ, phương tiện cần thiết trước khi đưa hàng vào dự trữ theo quy định;
b) Trực tiếp thực hiện việc kiểm tra ban đầu khi giao nhận hàng nhập, xuất kho theo đúng tiêu chuẩn chất lượng; đúng số lượng theo phiếu nhập, xuất và các trình tự, thủ tục quy định;
c) Thực hiện bảo quản thường xuyên, định kỳ theo đúng quy trình kỹ thuật bảo quản. Trong quá trình bảo quản hàng hóa, nếu có sự cố bất thường hoặc phát hiện những hiện tượng phát sinh làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa phải chủ động xử lý, đồng thời báo cáo lãnh đạo để có biện pháp giải quyết kịp thời;
d) Lập hồ sơ chứng từ ban đầu, cập nhật nhật ký theo dõi hàng hóa cho từng kho hoặc ngăn kho hàng;
đ) Quản lý theo dõi về toàn bộ hàng hóa dự trữ, các tài sản, trang thiết bị được đơn vị giao cho trực tiếp quản lý.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm được những vấn đề cơ bản của pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến công tác dự trữ quốc gia, chương trình cải cách hành chính, chiến lược phát triển của ngành dự trữ quốc gia;
b) Nắm vững quy chế, quy trình tác nghiệp trong công tác giữ gìn, bảo quản hàng dự trữ quốc gia; nhận biết, kiểm tra và xác định được chủng loại hàng nhập, xuất về tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng theo đúng trình tự, thủ tục quy định;
c) Nắm vững và có kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị kỹ thuật, thiết bị đo lường phục vụ cho quá trình giao, nhận, bảo quản hàng dự trữ quốc gia;
d) Có năng lực lập hồ sơ, ghi chép sổ sách rõ ràng, mạch lạc đối với việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quy định của Nhà nước;
đ) Sử dụng thành thạo các thiết bị văn phòng và các trang thiết bị khác phục vụ yêu cầu nhiệm vụ.
4. Tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, đào tạo
Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên với chuyên ngành kinh tế hoặc kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
5. Đối với công chức dự thi nâng ngạch Thủ kho bảo quản thì ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này phải đang giữ ngạch Nhân viên bảo vệ kho dự trữ và có thời gian giữ ngạch Nhân viên bảo vệ kho dự trữ hoặc tương đương tối thiểu là 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch Nhân viên bảo vệ kho dự trữ tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
Điều 23. Nhân viên bảo vệ kho dự trữ (mã số 19.224)
1. Chức trách
Nhân viên bảo vệ kho dự trữ là công chức thừa hành ở các Chi cục Dự trữ Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ tuần tra canh gác, bảo vệ trong khu vực kho dự trữ quốc gia và bảo đảm an toàn hàng dự trữ quốc gia theo quy định.
2. Nhiệm vụ
a) Giám sát các hoạt động nhập, xuất hàng hóa; hướng dẫn, kiểm tra người, phương tiện ra vào khu vực kho dự trữ theo quy định (kiểm tra giấy tờ, phiếu xuất, nhập kho và vào sổ theo dõi);
b) Thực hiện công tác tuần tra canh gác trong khu vực kho hàng thuộc phạm vi quản lý trong ca trực theo quy chế bảo vệ của cơ quan; bảo đảm giữ gìn an toàn kho tàng, hàng hóa dự trữ quốc gia;
c) Lập biên bản, tổ chức bảo vệ hiện trường theo quy định khi có vi phạm an toàn, an ninh trật tự trong khu vực kho tàng; báo cáo kịp thời lên cấp trên và các cơ quan chức năng để xử lý;
d) Tham gia xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy, phòng chống lụt bão ở khu vực kho thuộc phạm vi quản lý. Phối hợp với công an khu vực, các cơ quan lân cận, cá nhân có liên quan để tổ chức thực hiện các phương án theo quy định;
đ) Giữ gìn bí mật và thực hiện tốt quy chế bảo mật về tài sản, hàng hóa dự trữ quốc gia.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Có khả năng thực hiện chức năng giám sát các hoạt động nhập, xuất hàng hóa chính xác theo đúng quy định của cơ quan và Nhà nước;
b) Có năng lực ghi chép vào sổ theo dõi cụ thể, rõ ràng, chính xác người và phương tiện ra vào kho;
c) Biết sử dụng thành thạo các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, phòng, chống bão lụt đã được trang bị.
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy.
Nguồn: thuvienphapluat.vn